Bảo dưỡng điều hòa ô tô định kỳ rất quan trọng. Bởi phần lớn các lỗi xảy ra do điều hòa không được về sinh, bão dưỡng đúng cách.
Điều hoà ô tô là một loại thiết kế giúp thay đổi nhiệt độ trong cabin xe theo nhu cầu của người dùng. Điều hoà ô tô thông thường có 2 loại. Loại 1 chiều chỉ có khả năng làm lạnh (còn gọi là máy lạnh). Loại 2 chiều vừa có khả năng làm lạnh, vừa có thể sưởi ấm. Đa phần các dòng xe ô tô hiện nay sử dụng loại điều hoà 2 chiều.
Hệ thống điều hoà ô tô có cấu tạo và nguyên lý hoạt động tương tự như các loại điều hoà nhà ở. Điều hoà ô tô vận hành theo nguyên lý đưa gas lạnh lần lượt đi qua các bộ phận để thay đổi áp suất, nhiệt độ và tính chất của gas lạnh, để cuối cùng khiến có thể gas lạnh toả ra hơi lạnh và đưa vào cabin xe nhằm hạ nhiệt độ trong xe.
Cấu tạo hệ thống điều hoà không khí trên ô tô gồm các bộ phận và nguyên lý hoạt động như sau:
Lốc điều hòa ô tô (máy nén, lốc nén) là bộ phận đảm nhận công đoạn đầu tiên trong quá trình tạo ra hơi lạnh. Lốc điều hoà ô tô có nhiệm vụ giúp nén môi chất lạnh từ áp suất thấp chuyển thành áp suất cao rồi chuyển đến dàn nóng. Lốc điều hoà được dẫn động bởi động cơ. Khi người dùng bật điều hoà thông qua công tắc A/C trên bảng điều khiển, lốc điều hoà sẽ khởi chạy.
Dàn nóng (dàn ngưng) điều hoà ô tô có nhiệm vụ chuyển đổi môi chất lạnh từ thể hơi sang thể lỏng áp suất cao, rồi chuyển đến van tiết lưu. Dàn nóng còn có vai trò tản nhiệt, làm mát, giải phóng nhiệt độ cho môi chất lạnh.
Phin lọc gas điều hòa ô tô (bộ lọc khô, bầu ngưng) có nhiệm vụ lọc bỏ hơi ẩm và tạp chất có trong môi chất lạnh trước khi được chuyển đến van tiết lưu từ dàn nóng.
Van tiết lưu điều hoà ô tô có 2 nhiệm vụ chính. Nhiệm vụ thứ nhất là làm cho môi chất lạnh từ dạng lỏng áp suất cao (từ dàn nóng) chuyển thành nhiệt độ thấp và áp suất thấp. Nhiệm vụ thứ hai là điều chỉnh lượng môi chất phun vào dàn lạnh phù hợp với nhiệt độ xe.
Dàn lạnh (dàn bốc hơi) điều hoà ô tô có nhiệm vụ làm giảm nhiệt độ đột ngột của môi chất lạnh (được đưa đến từ van tiết lưu). Điều này khiến môi chất lạnh toả ra hơi lạnh.
Quạt gió điều hoà (quạt lồng sóc) có nhiệm vụ thổi hơi lạnh từ dàn lạnh vào cabin xe ô tô.
Gas điều hòa ô tô (ga điều hoà, môi chất lạnh) tuy không phải là một bộ phận nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong cả quá trình hoạt động của điều hoà ô tô. Gas điều hoà có nhiệm vụ trao đổi nhiệt khi tuần hoàn. Khi nó bay hơi nó sẽ giúp nhận nhiệt, nhờ đó mà nhiệt độ trong cabin xe được hạ thấp. Khi nó hoá lỏng nó sẽ giải phóng nhiệt.
Cách sử dụng điều hoà ô tô
Điều hoà ô tô có các chế độ sau:
- Chế độ chỉnh nhiệt độ
- Chế độ quạt gió
- Chế độ chỉnh hướng gió
- Chế độ lấy gió trong và lấy gió ngoài
Trong quá trình sử dụng nên linh hoạt để tuỳ chỉnh các chế độ phù hợp.
Một số cách sử dụng điều hòa ô tô hiệu quả và tiết kiệm:
Bật điều hoà sau khi nổ máy xe để tránh làm hao điện ắc quy, cũng như để cabin có thời gian hạ nhiệt, thông thoáng hơn sau thời gian xe bị đóng kín cửa.
Tắt điều hoà trước khi tắt động cơ giúp tránh hao điện ắc quy, tiết kiệm nhiên liệu, đặc biệt tránh việc dàn lạnh bị tụ ẩm do nhiệt độ tăng cao vì đột ngột xe tắt máy, đóng cửa.
Chọn chế độ lấy gió điều hoà phù hợp. Nên chọn lấy gió ngoài khi xe vừa nổ máy, xe chạy ở khu vực không khí trong lành, xe chạy hành trình dài (để đảm bảo cabin đủ oxy)… Nên chọn lấy gió trong khi xe chạy ở khu vực nhiều khói bụi ô nhiễm, khi chạy xe trời mưa, trời độ ẩm cao…
Kết hợp điều hoà với quạt gió để giảm tải cho điều hoà.
Không nên tắt máy lạnh hạ kính khi chạy cao tốc vì thực tế điều này sẽ khiến xe tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn so với khi sử dụng máy lạnh.
Nên tắt điều hoà khi bắt buộc phải đi qua vùng ngập nước để giảm thiểu các rủi ro gây hại cho hệ thống điều hoà xe.
Bảo dưỡng điều hòa ô tô
Theo các nhà sản xuất ô tô khuyến cáo nên tiến hành bảo dưỡng điều hoà ô tô định kỳ mỗi năm hoặc sau mỗi 20.000 – 30.000 km. Bảo hành định kỳ sẽ giúp hệ thống điều hoà xe vận hành trơn tru, êm ái, hiệu quả và tiết kiệm hơn, kéo dài tuổi thọ các chi tiết, đồng thời hạn chế được các trục trặc.
Quy trình bảo dưỡng hệ thống điều hòa ô tô bao gồm các hạng mục:
Kiểm tra & bảo dưỡng lọc gió điều hoà: Nên kiểm tra và vệ sinh lọc gió điều hoà sau mỗi 5.000 – 10.000 km vận hành. Thay thế lọc gió sau mỗi 20.000 – 30.000 km vận hành.
Kiểm tra & bảo dưỡng quạt dàn lạnh: Quạt gió dàn lạnh dễ bẩn sau thời gian dài sử dụng. Nên kiểm tra và bảo dưỡng quạt dàn lạnh sau mỗi 20.000 km vận hành.
Kiểm tra & bảo dưỡng dàn lạnh: Nên kiểm tra, bảo dưỡng và vệ sinh dàn lạnh sau mỗi 20.000 km. Ngày nay việc kiểm tra, vệ sinh và bảo dưỡng dàn lạnh không nhất thiết kế phải tháo mở phức tạp như trước mà có thể sử dụng phương pháp nội soi rất tiện lợi.
Kiểm tra dầu: Dầu nên được kiểm tra sau mỗi 40.000 – 50.000 km vận hành, thay thế sau 100.000 km vận hành.
Kiểm tra gas lạnh: Gas điều hoà nên được kiểm tra sau mỗi 30.000 – 40.000 km vận hành, thay thế sau 100.000 km vận hành.
Kiểm tra & bảo dưỡng hệ thống đường ống dẫn: Hệ thống đường ống dẫn nên được kiểm tra, bảo dưỡng sau 30.000 – 40.000 km vận hành.
Kiểm tra & bảo dưỡng dàn nóng: Dàn nóng nên được kiểm tra, bảo dưỡng và vệ sinh sau mỗi 20.000 km vận hành.
Kiểm tra & bảo dưỡng lốc điều hoà: Lốc điều hoà (máy nén) nên được kiểm tra, bảo dưỡng sau mỗi 20.000 km.
Kiểm tra & bảo dưỡng rơ le nhiệt: Rơ lê nhiệt nên được kiểm tra, bảo dưỡng sau mỗi 20.000 km vận hành.
Kiểm tra & bảo dưỡng dây curoa: Dây curoa nên được kiểm tra, bảo dưỡng sau mỗi 20.000 km, thay thế sau mỗi 50.000 km vận hành.
Theo các nhà sản xuất ô tô khuyến cáo nên vệ sinh điều hòa ô tô định kỳ sau mỗi 20.000 – 30.000 km vận hành. Việc vệ sinh điều hoà sẽ giúp điều hoà hoạt động hiệu quả hơn, hạn chế được các lỗi trục trặc, hư hỏng.
Các hạng mục cần vệ sinh định kỳ gồm:
- Lọc gió điều hòa (có thể tự vệ sinh tại nhà)
- Quạt gió điều hòa (có thể tự vệ sinh tại nhà)
- Của gió điều hòa (có thể tự vệ sinh tại nhà)
- Dàn lạnh
- Dàn nóng
Các lỗi điều hòa ô tô thường gặp
Điều hoà ô tô có mùi hôi
Điều hòa ô tô bị hôi là một trong những vấn đế phổ biến, rất thường gặp ở các dòng xe ô tô đời cũ. Có nhiều nguyên nhân khiến điều hoà ô tô có mùi hôi như dàn lạnh & đường ống bị ẩm mốc (đã lâu chưa vệ sinh), lọc gió bị bẩn, quạt gió bị bẩn, hộp quạt gió & dàn nóng hay khoang động cơ có xác động vật… Ngoài ra điều hoà ô tô có mùi cũng có thể vì nội thất có mùi.
Điều hoà ô tô không mát, bị yếu
Điều hoà ô tô bị yếu, bị nóng, không mát, không mát sâu, không lạnh sâu, chạy bình thường nhưng không mát… là một trong các lỗi thường gặp nhất trên hệ thống điều hoà ô tô. Có nhiều nguyên nhân điều hoà ô tô không mát như: dàn nóng bị bẩn, dàn lạnh bị bẩn/đóng băng, phin lọc ga bị tắc hay hỏng, lọc gió điều hòa bị bẩn, điều hoà thiếu ga/bị rò rỉ ga, cảm biến nhiệt độ trục trặc, tụ điện bị hỏng…
Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là dàn nóng, dàn lạnh hay lọc gió điều hoà bị bẩn do lâu ngày không được vệ sinh, xe bị rò rỉ ga/thiếu ga/đã lâu chưa thay ga lạnh…
Đây cũng là một trong các lỗi điều hoà thường gặp. Nguyên nhân điều hòa xe lúc mát lúc không mát thường do lốc điều hòa ô tô đóng ngắt liên tục (lý do xem ở phần tiếp theo), điều hoà đã lâu không được vệ sinh (dàn nóng, dàn lạnh, lọc gió bị bẩn gây tắc nghẽn), nguồn điện cấp cho điều hoà bị trục trặc, thiếu gas lạnh/gas lạnh bị rò rỉ…
Lốc điều hoà ô tô sẽ tự động đóng/ngắt dựa theo sự điều khiển của các cảm biến và công tắc như: công tắc áp suất, cảm biến nhiệt độ, cảm biến ánh nắng mặt trời…
Công tắc áp suất nằm ở phía đường cao áp trong hệ thống điều hòa. Khi nhận thấy áp suất gas vượt quá quy định, hệ thống điều hòa sẽ tự động ngắt ly hợp, cho dừng lốc lạnh. Điều này nhằm đảm bảo những bộ phận khác không bị ảnh hưởng.
Có nhiều nguyên nhân khiến áp suất gas tăng cao. Thông thường là do nhiệt độ dầu biến mô tăng cao. Với các dòng xe ô tô sử dụng hộp số tự động, hộp số ly hợp kép… khi lưu thông đường phố đông đúc, do tăng giảm ga, đạp phanh liên tục sẽ khiến ma sát trượt giữa các cánh biến mô với dầu thuỷ lực tăng cao.
Trong khi két làm mát dầu lại được đặt gần dàn nóng điều hoà, nên ảnh hưởng đến khả năng tản nhiệt của dàn nóng. Từ đó khiến áp suất gas trên đường cao áp tăng cao, buộc hệ thống điều hoà phải dừng lốc lạnh. Động cơ quá nóng cũng có thể khiến áp suất gas tăng cao, dẫn đến hiện tượng tương tự. Đây chính là lý do vì sao lỗi điều hoà ô tô đóng ngắt liên tục thường gặp ở mùa nóng, ngày nắng.
Bên cạnh đó, lốc điều hòa ô tô đóng ngắt liên tục còn có thể vì nhiều nguyên nhân khác như đường ống dẫn gas lạnh bị tắc nghẽn, xe bị rò rỉ gas/thiếu gas lạnh, dùng gas kém chất lượng, dàn nóng bị bẩn gây cản trở giải nhiệt, tụ điện có vấn đề, lốc lạnh hoạt động quá tải, bi đầu lốc/ly hợp đầu lốc bị hỏng…
Điều hoà ô tô bị đọng nước ở cửa gió do hiện tượng nhiệt độ đầu ra quá lạnh so với nhiệt độ môi trường bên ngoài. Nguyên nhân của lỗi này thường do lọc gió bị bẩn khiến quạt không thể hút đủ gió, quạt gió bị hỏng khiến gió thổi ra quá lớn hoặc quá nhỏ…
Khi điều hoà ô tô bị đóng băng, băng sẽ bám kín những khe hở giữa các ống nan và lá tản nhiệt. Điều này khiến không khí không thể lưu thông qua dàn lạnh. Càng chậm xử lý lớp băng sẽ càng dày, có thể làm dàn lạnh bị tắc nghẽn hoàn toàn.
Nguyên nhân điều hoà ô tô bị đóng băng thường do: dàn lạnh bị bám bẩn (không được vệ sinh thường xuyên), quạt gió điều hoà bị hỏng, lọc gió bị bẩn, van tiết lưu bị hỏng, gas lạnh kém chất lượng hoặc sai chủng loại, dàn nóng bị trục trặc, hệ thống cảm biến trục trặc…
Điều hoà ô tô bị kêu có thể do lốc điều hoà bị kêu hoặc các quạt gió kêu. Nguyên nhân điều hoà ô tô bị kêu đa phần vì lốc lạnh có vấn đề, thiếu dầu, dàn lạnh bị hở, quạt gió bị trục trặc, hệ thống đường dẫn bị nứt/cong vênh, lọc gió quá bẩn…
Nếu điều hoà ô tô có tiếng rít chủ yếu do quạt gió điều hoà có vấn đề. Thông thường là có dị vật bị mắc kẹt bên trong.
Điều hoà ô tô có mùi khét là một trong các dấu hiệu cho thấy hệ thống điều hoà bị vấn đề không nhẹ. Nguyên nhân điều hoà ô tô bị mùi khét có thể do: quạt gió cabin bị bẩn hoạt động yếu, lọc gió điều hoà bị bám bẩn, lốc nén trục trặc… Ngoài ra mùi khét có thể không phải xuất phát từ hệ thống điều hoà mà xuất phát từ hệ thống động cơ, hộp số…
Để sửa chữa điều hoà ô tô bị lỗi trước tiên cần kiểm tra để tìm được nguyên nhân lỗi chính xác. Đa phần các lỗi điều hoà ô tô thường do lọc gió điều hoà bị bẩn, quạt gió bị bẩn, dàn nóng bị bẩn… Kiểm tra các bộ phận này cũng khá đơn giản, chủ xe có thể tự tháo để kiểm tra, vệ sinh lọc gió và quạt gió điều hoà, kiểm tra dàn nóng ở khoang máy… Trong trường hợp lọc gió quá bẩn thì nên thay mới.
Trong trường hợp đã vệ sinh lọc gió, quạt gió, kiểm tra dàn nóng… nhưng lỗi điều hoà vẫn chưa được khắc phục, quý khách hàng có thể đưa xe đến xưởng dịch vụ của Hyundai Ninh Bình để được kiểm tra toàn diện và xử lý triệt để.