Những điểm mù của xe ô tô là phạm vi không gian bên ngoài mà người lái không thể quan sát được trực tiếp hay thông qua gương chiếu hậu. Điểm mù xe ô tô khiến người điều khiển khó quan sát phương tiện cùng lưu thông trên đường khi di chuyển lùi, quay đầu hoặc chuyển làn.
Không chỉ tỉ lệ thuận với kích thước phương tiện, điểm mù xe ô tô còn được gây ra bởi gương chiếu hậu, ở phía trước và sau xe hoặc do vóc dáng và tư thế ngồi của người lái.
Điểm mù phía trước xe thường xuất hiện ở ô tô tải, bán tải do đặc điểm gầm cao khiến người lái hạn chế khi quan sát vật thể ở gần đầu phương tiện. Điều này gây khó khăn cho người lái xe khi di chuyển qua khu vực đông dân cư, mật độ phương tiện đông đúc hoặc trên địa hình dốc, khi đỗ xe.
Điểm mù phía sau được hình thành do thiết kế đặc thù của xe. Theo đó, những xe có gầm càng cao thì diện tích điểm mù càng lớn, khiến người lái khó quan sát các vật thể ở gần đuôi xe qua gương chiếu hậu.
Điểm mù phía sau thường có phạm vi khá lớn, có thể lên đến vài mét tính từ đuôi xe. Đây cũng là nguyên nhân gây ra khó khăn khi phương tiện quay đầu, lùi hoặc đỗ xe trong bãi tập kết,...
Gương chiếu hậu trên xe ô tô là "bảo bối" giúp người lái quan sát không gian bên ngoài. Tuy nhiên, đôi khi loại gương này không thể “bắt trọn” hình ảnh những chiếc xe khác ở phía sau. Điểm mù trên gương chiếu hậu nằm ở vùng phản chiếu ở khu vực 2 bên hông và sau xe. Điểm mù trên gương chiếu hậu khiến người lái gặp khó khăn trong các tình huống chuyển làn, quay đầu và lùi, đỗ xe,...
Cột A là cột đầu tiên nằm ở 2 bên kính chắn gió, có kích thước không quá lớn nhưng trong 1 vài tình huống sẽ cản trở tầm quan sát của người lái và tạo nên điểm mù ở 2 góc đánh lái phía trước xe. Điềm mù cột A có thể gây nguy hiểm trong trường hợp xe vào cua, chuyển làn, chuyển hướng,...
Ngoài 4 điểm mù phổ biến trên, vị trí ngồi và tư thế lái của người điều khiển cũng ảnh hưởng đến tầm nhìn. Vì vậy, người lái cần điều chỉnh vị trí ngồi và tư thế đúng để có được phạm vi quan sát tốt nhất.
Trong quá trình tham gia giao thông, người lái không tránh khỏi việc bị cản trở tầm nhìn do rơi vào điểm mù xe ô tô. Để khắc phục điểm mù khi lái xe ô tô, người điều khiển phương tiện lưu ý:
- Điều chỉnh ghế lái để có phạm vi quan sát tốt nhất.
- Điều chỉnh góc nhìn của gương chiếu hậu phù hợp với từng tình huống để cải thiện tầm nhìn, giảm thiểu phạm vi của điểm mù.
- Chú ý quan sát kỹ và giữ khoảng cách an toàn tối thiểu theo quy định là từ 35-100m với phương tiện cùng lưu thông.
- Giảm tốc khi qua các khu vực có mật độ giao thông đông đúc, phức tạp như khu dân cư, chợ, trường học,...
- Giảm tốc và quan sát kỹ 2 bên và phía sau xe, đồng thời phát tín hiệu cảnh báo cho phương tiện khác khi cần vào cua, chuyển làn, chuyển hướng, quay đầu và dừng đỗ,...
- Trang bị công cụ hỗ trợ quan sát và bảo đảm an toàn như camera trước, gương cầu lồi, camera lùi, cảm biến lùi,... để giảm thiểu điểm mù và đưa ra cảnh báo nguy hiểm chính xác, kịp thời.
- Sử dụng hệ thống cảnh báo điểm mù trên ô tô (nếu xe được trang bị).
- Hạn chế đi vào các điểm mù của xe tải, container,... Kích thước phương tiện càng lớn thì càng có nhiều điểm mù, vì vậy người lái cần tránh di chuyển vào điểm mù của ô tô có trọng tải lớn.
- Không vượt khi phương tiện đang nằm trong điểm mù của xe khác.